Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện hoạt động đấu thầu nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế. Hội đồng của bệnh viện phải xác định cấu hình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả kinh tế của thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, làm cơ sở lựa chọn mức giá gói thầu…
Chiều (21/2), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bộ, ngành, sở y tế, bệnh viện nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu năm 2023 về lựa chọn nhà thầu (Nghị định).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Hội đồng của bệnh viện phải xác định cấu hình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả kinh tế của thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, làm cơ sở lựa chọn mức giá gói thầu.
Đề xuất tăng cường phân cấp cho cơ sở y tế thực hiện đấu thầu mua sắm trực tiếp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ đã xin ý kiến thành viên Chính phủ về: Quy định lập giá gói thầu; thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quy trình chỉ định thầu rút gọn; thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, đặc thù của hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, việc lập giá gói thầu phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật cũng như khả năng tài chính. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị, trong trường hợp có từ 2 báo giá, có thể mức giá cao nhất làm cơ sở lập dự toán xây dựng giá gói thầu.
TS. Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, theo quy trình, Hội đồng của bệnh viện lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, trước khi xây dựng giá gói thầu.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y – Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, trường hợp mua sắm trang thiết bị, công nghệ sử dụng để triển khai các kỹ thuật mới chưa có ở Việt Nam, chưa có căn cứ để lập giá gói thầu vì vậy cần có cơ chế đặc thù.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện K… đề nghị tăng cường phân cấp cho cơ sở y tế thực hiện đấu thầu mua sắm trực tiếp phù hợp năng lực, yêu cầu điều trị, nhất là đối với trường hợp đột xuất, thuốc hiếm, vật tư tiêu hao thiết yếu; bổ sung đông dược, thuốc phóng xạ, vật tư y tế tiêu hao vào danh mục đấu thầu.
Các đại biểu cũng trao đổi, góp ý những nội dung liên quan đến quy định đánh giá hoặc xác định thông tin về chất lượng thuốc, thiết bị y tế, hóa chất, vật tư xét nghiệm; công khai thông tin và thu chi phí đăng tải thông báo mời thầu; việc áp dụng quy định trong thời gian Nghị định chưa được ban hành. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp mua sắm tập trung được hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung; các quy định về mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu tại cuộc họp.
Không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện đấu thầu
Nhấn mạnh việc giải quyết bằng cơ chế, chính sách pháp luật trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Nghị định khi ban hành phải tạo sự thống nhất về nhận thức, giải quyết ngay vướng mắc thực tiễn. Công tác lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế phải được quản lý chặt chẽ, phân cấp mạnh mẽ, bảo đảm an toàn, phòng tránh tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng tiêu chí xác định tính chính thống, hợp pháp của các báo giá làm căn cứ lập giá gói thầu.
“Quan trọng nhất là Hội đồng của bệnh viện phải xác định cấu hình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả kinh tế của thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, làm cơ sở lựa chọn mức giá gói thầu” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Để tháo gỡ khó khăn trong tư vấn, thẩm định đấu thầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần có quy định rõ ràng để huy động, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị, tổ chức được thành lập hợp pháp. Trường hợp không có đơn vị, tổ chức tư vấn, thẩm định tham gia, chủ đầu tư sẽ thành lập tổ tư vấn, thẩm định trong đấu thầu.
Đại diện lãnh đạo các bệnh viện phát biểu tại cuộc họp.
Đối với việc phân cấp đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phương thức đấu thầu tập trung là biện pháp hiệu quả, cần thiết, minh bạch, khách quan để người dân được tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ. Những loại thuốc sử dụng phổ biến, khối lượng lớn phải đưa vào danh sách đấu thầu tập trung (cấp quốc gia, địa phương), lựa chọn được các nhà sản xuất, doanh nghiệp đủ năng lực cung cấp. Các thuốc hiếm, đặc trị, chuyên khoa sẽ phân cấp tối đa cho bệnh viện.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về quy định chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; áp giá thầu đối với các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh BHYT
Về điều khoản thực hiện chuyển tiếp, Phó Thủ tướng nêu rõ, không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện hoạt động đấu thầu nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế. Cụ thể, những gói thầu thực hiện theo các văn bản, quy định pháp luật trước đây phải rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền nếu trái với Luật Đấu thầu năm 2023 hoặc Nghị định; cho phép kéo dài thời gian thực hiện các gói thầu triển khai từ thời điểm Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Quang cảnh cuộc họp.